6) Sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ quốc tế, thị trường thực phẩm và thức uống hữu cơ toàn cầu đã tăng lên gấp hơn 5 lần từ năm 1999 đến năm 2014, đạt 80 tỷ USD năm 2014. Bắc Mỹ và châu Âu sản xuất khoảng 90% các sản phẩm hữu cơ. Các khu vực khác, châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi, là các nước sản xuất chủ yếu để xuất khẩu. Trong năm 2014, các quốc gia có thị trường hữu cơ lớn nhất là Mỹ (27,1 tỷ euro), Đức (7,9 tỷ euro), và Pháp (4,8 tỷ euro). Thị trường lớn nhất là Mỹ (khoảng 43% thị trường toàn cầu), tiếp theo là Liên minh châu Âu (23,9 tỷ euro, 38%) và Trung Quốc (3,7 tỷ euro, 6%). Tổng diện tích nông nghiệp hữu cơ trên thế giới đạt 43,7 triệu ha năm 2014, trong đó ở châu Á là 3,6 triệu ha, chiếm khoảng 8% diện tích đất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới. Các quốc gia hàng đầu của khu vực là Trung Quốc (1,9 triệu ha) và Ấn Độ (0,7 triệu ha).
Việt Nam có tiềm năng phát triển dược liệu nhưng chưa tận dung được (Ảnh: TH) |
Nông nghiệp hữu cơ không chỉ quan trọng đối với sức khỏe và môi trường. NNHC còn là một cơ hội kinh doanh phát triển mà nông nghiệp nước ta không thể bỏ qua.
7) Nông nghiệp dược liệu, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thức ăn bài thuốc
Theo Statista, 2018, thị trường thực phẩm chức năng đã tạo ra doanh thu toàn cầu khoảng 299,32 tỷ USD vào cuối năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 441,56 tỷ USD 2022. Đến năm 2015, vitamin đa sinh tố và chất khoáng bổ sung là thực phẩm chức năng phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, tiếp theo là vitamin D và vitamin C. Năm 2015, thực phẩm chức năng ở Châu Á Thái Bình Dương đã tạo ra doanh thu khoảng 51 tỷ USD, dự báo sẽ đạt khoảng 104 tỷ USD vào năm 2024. Một trong các nguồn vật liệu quan trọng nhất của thực phẩm chức năng giàu dinh dưỡng là rau quả và công nghiệp vi sinh.
Ước tính thương mại hàng năm của nguyên liệu cây thuốc và cây hương liệu khoảng 33 tỷ USD trong năm 2014.
Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật có giá trị cao, trong đó có 10.500 loài đã được nghiên cứu xác định, khoảng 3.780 loài, hay 36% trong số đó có các đặc tính thuốc chữa bệnh. Các loài cây thuốc Việt Nam chiếm khoảng 11% trong số 35.000 loài cây thuốc được biết đến trên toàn thế giới. Con số này vẫn còn thấp vì có nhiều loài cây thuốc chưa được biết đến rộng rãi và chỉ được sử dụng bởi các nhóm dân tộc thiểu số trong nước, chiếm 14% tổng dân số. Các nghiên cứu KHCN phát huy y học truyền thống và ẩm thực tinh hoa như thức ăn bài thuốc, rau thuốc, rượu thuốc, nước uống bổ dưỡng thuốc; những đầu tư phát triển nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh; việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), trong đó ưu tiên CNSH... là những định hướng đúng có thể giúp nước ta trở thành một trong các cường quốc ẩm thực và thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thức ăn bài thuốc.
8) Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và kết nối thị trường toàn cầu
Sản xuất nông nghiệp bắt đầu từ hạt giống đến bàn ăn. Trong nền sản xuất quy mô lớn hiện nay, mọi khâu của quá trình sản xuất được kết nối theo chuỗi và được đánh giá theo chuỗi giá trị. Từ đó, người ta có thể đánh giá được sức mạnh kinh tế của các khâu khác nhau trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Hạt giống được coi là khởi đầu quan trọng trong chuỗi thực phẩm nông nghiệp. Tuy vậy, tổng giá trị thị trường hạt giống bán ra toàn cầu (khoảng 48,5 tỷ USD), chiếm chưa đến 1% tổng giá trị thực phẩm bán ra hoặc sản xuất trên toàn cầu (khoảng 5.000 đến 6.000 tỷ USD). Để thu về 100 USD giá trị sản phẩm nông nghiệp ở Hoa Kỳ, thì chi phí hạt giống là 4,9 USD (trung bình cho tất cả các trang trại trong năm 2012); để thu hoạch 100 euro ở Pháp vào năm 2014, phải chi trung bình 3,5 euro mua hạt giống. So sánh các công ty lớn nhất trên thế giới theo chuỗi giá trị nông sản cho thấy: công ty hạt giống lớn nhất là Monsanto, có tổng doanh thu năm 2016 vào khoảng 10 tỷ USD; công ty hóa chất nông nghiệp Syngenta có tổng thu tương đương là 10 tỷ USD; công ty Agrium phân bón và dịch vụ khác là 14 tỷ USD; trong khi công ty máy nông nghiệp John Deere có doanh thu 27 tỷ USD. Doanh thu của công ty nước giải khát Pepsi là 63 tỷ USD; công ty hóa chất BASF là 64 tỷ USD; công ty chế biến thực phẩm Cargill là 107 tỷ USD; công ty phân phối thực phẩm WalMart có tổng thu lên đến 277 tỷ USD (trong tổng số doanh thu thương mại của WalMart là 485 tỷ USD).
Các số liệu thống kê cho thấy, trong số 10 tập đoàn doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới (dựa trên tổng doanh thu của các ngành khác nhau trong chuỗi thực phẩm nông nghiệp), ngành giống là nhỏ nhất trong chuỗi thực phẩm. Trong chuỗi thực phẩm, lĩnh vực mang lại nguồn thu nhập lớn nhất cho đến nay là chế biến thực phẩm và hệ thống phân phối quy mô lớn. Sức mạnh chủ yếu trong chuỗi giá trị nông nghiệp thuộc về các công ty dịch vụ đầu vào của của nông nghiệp, các công ty chế biến và phân phối. Do vậy, nếu chúng ta chỉ chú ý sản xuất trên đồng ruộng, mà bỏ qua các khâu dịch vụ, chế biến và thương mại xuyên quốc gia, chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là “Anh nông dân” toàn cầu. Việc phân tích nông nghiệp toàn cầu theo chuỗi rất cần đến KHCN, các trí tuệ kinh tế lớn và các công nghệ 4.0 (Dữ liệu lớn, Internet vạn vật IoT, trí tuệ nhân tạo AI).
9) Xu hướng sáp nhập, mua lại, giành thế độc quyền của các công ty nông nghiệp trên thế giới
Theo Tạp chí MDPI, 2017, trong thập kỷ qua, từ năm 2007 đến năm 2016, trung bình có hơn 44.000 vụ sáp nhập và mua lại công ty mỗi năm trong tất cả các ngành công nghiệp trên toàn thế giới. Xu thế sát nhập thấy rất rõ giữa các công ty hạt giống và hóa học nông nghiệp siêu quốc gia. Năm 2015, Dow và DuPont-Pioneer sáp nhập và thành lập DowDupont. Năm 2016, ChemChina (Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc), đã mua Syngenta với giá 43 tỷ USD. Bayer, công ty hóa chất lớn của Đức sản xuất dược phẩm, các sản phẩm y tế, sức khỏe động vật, hạt giống, hóa chất nông nghiệp và vật liệu, đã cân nhắc việc mua lại Monsanto từ tháng 5 năm 2016. Việc mua lại đã được thỏa thuận với giá 66 tỷ USD trong tháng 9 năm 2016. (Nguồn: Sylvie Bonny, 2017. Corporate Concentration and Technological Change in the Global Seed Industry. Sustainability 2017, 9(9), 1632; https://doi.org/10.3390/su9091632). Xu hướng này đang dẫn đến tình trạng độc quyền và tập trung sức mạnh “làm mưa, làm gió”, khống chế các ngành kinh tế mũi nhọn trên thế giới; đồng thời, nó cũng tạo ra sự tập trung các nguồn lực khổng lồ để đầu tư cho KHCN và đổi mới. Với sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của nhà nước Trung Quốc, công ty Longping High-Tech cũng đã mua lại một số công ty hạt giống khác như Hồ Nam Golden Rice, Hubei Huimin Agro Technology, Beijing Sunrise Agritech và Hebei Universe, và trở thành công ty hạt giống lớn nhất Trung Quốc. Doanh thu hợp nhất của công ty dự kiến sẽ đẩy nó vào top 10 doanh nghiệp hạt giống toàn cầu. Như vậy, trong số 10 doanh nghiệp hạt giống hàng đầu thế giới, hai công ty Trung Quốc đã xuất hiện, Syngenta và Longping High-Tech.
Sát nhập, liên kết, trở nên mạnh hơn, cùng thắng đó là xu hướng của các công ty nông nghiệp toàn cầu. Xu hướng này đang trái ngược với hiện trạng các công ty Việt Nam (nhỏ bé, chia rẽ, cạnh tranh nội địa, thiếu tầm nhìn quốc tế và thiếu hụt đầu tư KHCN).
10) Phát triển công nghiệp sinh khối gắn với sinh thái bền vững
Năm 2013, Nghị viện châu Âu đã có công bố quan trọng trong đó phân tích vai trò của công nghiệp chế biến phế phụ phẩm nông lâm nghiệp như là một lựa chọn công nghệ để nuôi sống 10 tỷ người trong tương lai. Tài liệu nhấn mạnh vai trò của sinh khối, CNSH và kinh tế sinh học. Bài viết có tiêu đề “Tái chế các phế phẩm, phế liệu của nông nghiệp, lâm nghiệp và thực phẩm để sản xuất năng lượng và vật liệu sinh học bền vững - Công nghệ lựa chọn để nuôi 10 tỷ người”. Công bố này cũng đã định hình các xu hướng kinh tế và KHCN ưu tiên của Cộng đồng châu Âu, cụ thể:
a) Kinh tế sinh học - Bioeconomy bao gồm việc tận dụng cho sản xuất các nguồn tài nguyên sinh vật tái tạo, chuyển đổi các tài nguyên đó và các phế phụ phẩm đi kèm thành các sản phẩm có giá trị gia tăng, chẳng hạn như thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các vật liệu sinh học, hóa chất, sinh dược và năng lượng sinh học.
b) Sinh khối và công nghiệp sinh khối: Sinh khối là vật liệu sinh học có nguồn gốc từ cơ thể sống hoặc các sinh vật đã sống gần đây và công nghiệp sinh khối là công nghiệp chế biến sinh khối.
c) Công nghệ sinh học bao gồm bất kỳ ứng dụng công nghệ nào có sử dụng các hệ thống sống, các cơ thể sống, hoặc các dẫn xuất từ chúng để sản xuất hoặc chế biến, biến đổi thành vật liệu và sản phẩm.
Nước ta nên tham khảo các quan điểm trên đây của Nghị viện châu Âu để xác định các định hướng nghiên cứu KHCN phù hợp.
TRUNG HIẾU - TRẦN HỒ (GHI)
4 dòng chảy kích hoạt nền kinh tế thế giới Bốn dòng chảy Tri thức, Công nghệ, Tiền tệ, Hàng hóa và thiết bị đã làm thay đổi nhanh chóng nền kinh tế thế giới. Các nền kinh tế nghèo và các quốc gia bị tàn phá sau thế chiến II như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Singapore... đã nhanh chóng trở thành những “con rồng”. Trung Quốc, từ nghèo đói, lạc hậu, chia rẽ sau “cách mạng văn hóa”, đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 trên thế giới chỉ sau 30 năm. Thế năng khổng lồ của 4 dòng chảy, đặc biệt là tri thức công nghệ và tiền tệ đã trở thành một trong các sức mạnh sáng tạo vĩ đại nhất trên thế giới. Tuy vậy, không phải quốc gia nào, không phải bất kỳ cá nhân nào, mà phải là các quốc gia mở thông minh và các trí tuệ lớn mới có thể khai thác được các xu thế biến đổi thế giới. |
https://m.nongnghiep.vn/xu-huong-phat-trien-khcn-phuc-vu-phat-trien-nong-nghiep-post236513.html
GS.TS ĐỖ NĂNG VỊNH