Các ngành khoa học về sự sống đã tạo ra các cuộc cách mạng trong nông nghiệp và y dược. Những thành tựu ngoạn mục của nông nghiệp nước ta chắc chắn sẽ không thể đạt được nếu thiếu “bàn tay bà đỡ” KHCN. Do vậy, để hiểu sâu hơn về các xu hướng phát triển KHCN trên thế giới và trong nước, chúng ta không thể bỏ qua các phân tích về các xu hướng phát triển KT-XH toàn cầu hiện nay.
"Quả đấm thép” rau quả và thủy sản
A. Các xu hướng phát triển nông nghiệp toàn cầu
1) An ninh và an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề toàn cầu trong 50 năm tới
Theo FAO, đến năm 2050, trái đất sẽ có khoảng 10 tỷ người, so với 7,5 tỷ ngày hôm nay. Nếu năng suất nông nghiệp không tăng, kết hợp với biến đổi khí hậu và cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch, trên 1 tỷ người có thể phải đối mặt với nạn đói. Đói vẫn là vấn đề cấp thiết nhất của thế kỷ 21. Những người nhìn xa trông rộng tin rằng chỉ có các giải pháp KHCN sáng tạo mới có thể ngăn chặn nạn đói thảm khốc và bất ổn xã hội trong tương lai. Mặt khác, tăng dân số trong điều kiện biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nhanh giá lương thực, thực phẩm. Kinh doanh lương thực, thực phẩm vẫn là một xu thế quan trọng của thương mại toàn cầu. Do vậy, các chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường, bảo đảm an ninh lương thực đang là chủ đề nóng nhất của các ngành KHCN trong nước và quốc tế.
Nuôi trồng thủy sản là hướng đi đúng |
2) Môi trường toàn cầu và môi trường canh tác nông nghiệp đang bị thu hẹp và hủy hoại nghiêm trọng
Tài nguyên đất, nước và không khí bị ô nhiễm hóa học và chất thải nghiêm trọng. Ô nhiễm các dòng sông đang hàng ngày âm thầm giết chết các vùng đồng bằng rộng lớn trên thế giới. Ở nước ta, nếu tình trạng ô nhiễm hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long không được ngăn chặn ngay lập tức và kịp thời, ĐBSH và ĐBSCL sẽ chết. Nước tưới sẽ trở nên đắt đỏ và thực phẩm sạch chỉ còn trong ước mơ. Quản lý và làm sạch nguồn nước ngọt phải là một đầu tư ưu tiên để bảo tồn khả năng cạnh tranh của nông sản.
3) Diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp do xây dựng đô thị, phát triển công nghiệp, sa mạc hóa và nước biển dâng
Theo số liệu của FAO và World Bank, diện tích đất canh tác toàn cầu trên đầu người đã bị giảm một nửa sau 50 năm, từ 0,37 ha/người năm 1965 xuống 0,19 ha/người năm 2015. Diện tích canh tác trên đầu người ở nước ta giảm từ 0,16 ha xuống chỉ còn 0,07 ha. Việt Nam là một trong các quốc gia có diện tích canh tác thấp nhất trên thế giới, nhưng là 1 trong 5 nước phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Canh tác và nuôi trồng công nghệ cao đang là giải pháp chủ yếu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nông nghiệp sa mạc, nông nghiệp đô thị, nuôi trồng trên biển và đại dương đang là những xu hướng phát triển mạnh của KHCN.
4) Nông nghiệp hướng biển và đại dương
Theo FAO (Aquarculture newsletter, 2017, April, N0 56), năm 2015 tổng sản lượng thủy sản toàn cầu đạt 106 triệu tấn, trong đó có 76,6 triệu tấn động vật và 29,4 triệu tấn là thực vật thủy sinh. Theo FAO, 2016, tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người toàn cầu năm 2013 là 19,7 kg; để giữ ở mức này, đến năm 2020, nhu cầu thủy sản cần tăng khoảng 23 triệu tấn. Nhu cầu tăng này chắc chắn phải do nuôi trồng.
Trong hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp khai thác tự nhiên đã đạt trần, dừng lại ở khoảng 90 triệu tấn. Nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ tăng 39% trong thập kỷ tới. Không chỉ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, khối lượng sinh khối các sản phẩm nuôi trồng thủy sản toàn cầu đã vượt qua sản lượng hải sản đánh bắt tự nhiên và sản xuất thịt bò. Về cơ cấu thủy hải sản, trong năm 2014, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 73,8 triệu tấn, giá trị vào khoảng 160,2 tỷ USD, bao gồm 49,8 triệu tấn cá finfish (99,2 tỷ USD), 16,1 triệu tấn nhuyễn thể (19 tỷ USD), 6,9 triệu tấn động vật giáp xác (36,2 tỷ USD), và 7,3 triệu tấn các loại thủy sản khác bao gồm loài lưỡng cư (3,7 tỷ USD). Trung Quốc chiếm 45,5 triệu tấn năm 2014, chiếm hơn 60% sản lượng cá nuôi trồng toàn cầu. Các nhà sản xuất chính khác là Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh và Egypt.
Ngoài ra, còn 27,3 triệu tấn thực vật thủy sinh (5,6 tỷ USD). Thực vật thủy sinh, các loài rong biển, đã và đang được phát triển nhanh ở 50 quốc gia. Các dự án KHCN về nguồn giống, thức ăn, trang thiết bị và công nghệ nuôi trồng, công nghệ bảo quản và chế biến, quản lý nguồn nước và ô nhiễm môi trường được ưu tiên đầu tư, sẽ là những động lực chính đối với phát triển nuôi trồng, cạnh tranh trong ngành thủy sản.
Việt Nam đang xếp thứ 4 trong số 25 quốc gia nuôi trồng thủy sản hàng đầu trên thế giới. Thật là một thành quả chưa từng thấy, chứng tỏ khả năng bứt phá ngoạn mục của thủy sản nước ta (World Atlas, 2017).
5) Rau quả và thủy sản chiếm ưu thế trên thị trường nông sản toàn cầu
Theo UNSTAD (2017), tổng thị trường xuất khẩu nông sản toàn cầu là 1.036 tỷ USD năm 2016, trong đó giá trị xuất khẩu rau quả đạt 237 tỷ USD, chiếm đến 22,9% tổng thị trường nông sản quốc tế; thủy sản (cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm và các sản phẩm của chúng đạt 137 tỷ USD, chiếm 13%. Trong khi đó, thị trường hạt ngũ cốc và các sản phẩm chế biến chỉ chiếm 14,4%; thịt và các sản phẩm chế biến: 12,7%; cà phê, chè, ca cao, gia vị và các sản phẩm từ chúng: 10,1%; sản phẩm sữa và trứng: 7,2%; thức ăn cho vật nuôi (trừ ngũ cốc chưa chế biến): 6,9%.
Số liệu thống kê của UNSTAD trong suốt các năm từ 1995 đến 2016 (UNSTAD, 2017) cho thấy rau quả và thủy sản luôn chiếm ưu thế trên thị trường nông sản xuất khẩu toàn cầu và vẫn đang tăng trưởng. Số liệu trên cũng cho thấy nông nghiệp và KHCN nước ta đang đi đúng hướng khi tập trung đầu tư “quả đấm thép” vào phát triển rau quả và thủy sản xuất khẩu; vừa khai thác đúng thế mạnh quốc gia, vừa đáp ứng trúng nhu cầu của thị trường thế giới.
Kinh nghiệm Hà Lan
Ngành làm vườn cung cấp thực phẩm sức khỏe với giá trị cao. Canh tác rau hoa quả chỉ chiếm 1% tổng diện tích đất canh tác của EU15, nhưng chiếm 10% tổng thu nhập. Sản xuất rau và hoa ở Hà Lan chiếm chỉ 7% đất canh tác, nhưng đạt 39% tổng thu nhập của sản xuất nông nghiệp.
Hà Lan là trung tâm thương mại rau hoa quả trên thế giới, chiếm khoảng 68% thị phần. Hà Lan xét về dân số, diện tích nông nghiệp tương đương với ĐBSH. Điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Hà Lan khó khăn gấp bội so với ĐBSH. Hà Lan có 9 tháng nhiệt độ trung bình tháng rất thấp, dưới 15oC, chỉ có ba tháng nhiệt độ trung bình trên 15oC, nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất là tháng 8 chỉ là 17oC. Nhiệt độ dưới 15oC được xem là nhiệt độ mà cây trồng ngưng quá trình sinh trưởng. Tuy nhiên, Hà Lan đã trở thành nước xuất khẩu nông nghiệp đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Năm 2017, xuất khẩu nông nghiệp Hà Lan đạt 94,0 tỷ Euro (năm 2013 là 79,0 tỷ euro). Diện tích, dân số Israel bằng đúng diện tích và dân số của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cộng lại; trong khi đất đai khô cằn, nghèo kiệt, 60% là sa mạc, lượng mưa ít, khan hiếm nước ngọt. Tuy nhiên, Israel đã lựa chọn để trở thành nước xuất khẩu rau hoa quả và nông nghiệp hữu cơ với sự điều tiết quan trọng của nhà nước về thị trường và phát triển công nghệ cao.
Ở VN, xuất khẩu rau quả tăng rất nhanh, năm 2014 đạt gần 1,5 tỉ USD, năm 2015 đạt 1,85 tỷ USD, đến 2016 đạt 2,458 tỷ USD; Năm 2017 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm 2016. Thực tế đó chứng tỏ sức mạnh đang lên của sản xuất và KHCN nước ta trong ngành rau quả. Theo chúng tôi, Việt Nam có trở thành “Hà Lan” về xuất khẩu rau quả hay không chỉ là vấn đề thời gian và phụ thuộc quyết sách quốc gia. Những thành tựu ở Lâm Đồng, Mộc Châu và một số địa phương cho thấy Lâm Đồng có thể trở thành thủ phủ rau hoa quả công nghệ cao lớn nhất châu Á.
TRUNG HIẾU - TRẦN HỒ (GHI)
GS.TS ĐỖ NĂNG VỊNH, VIỆN DI TRUYỀN NÔNG NGHIỆP
https://m.nongnghiep.vn/xu-huong-phat-trien-khcn-tren-the-gioi-va-trong-nuoc-phuc-vu-phat-trien-nong-nghiep-post236470.html